Nghệ thuật tuồng, vốn quý của dân tộc, đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định, gắn liền với tên tuổi các nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam. Mặc dù có những biến động lịch sử, trải qua chiến tranh, những người dân Bình Định vẫn giữ môn nghệ thuật đặc sắc của mình và kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài để Bình Định vẫn là điểm hội tụ tài năng của nghệ thuật tuồng
Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định phát triển gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ (Hiện Nay đền thờ danh nhân Đào Duy Từ ở tại xã Hoài Thanh Tây huyện Hoài Nhơn, cách quốc lộ 1A 2km) và Đào Tấn.
Ðào Duy Từ được gọi là ông tổ hát bội đầu tiên của Bình Định. Ông là người tài cả văn lẫn võ, được phong chức Táng tương Quân vụ. Là con của một nữ đào hát nổi tiếng ở kinh thành Thăng long, nên ông cũng là người rất sành về ca nhạc, thi thơ. Học giỏi, tài cao nhưng không được đi thi vì là con của đào hát thuộc tầng lớp "xướng ca vô loại", ông đã bỏ vào Nam thi thố tài năng sở học của mình và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông Ðào Duy Từ đã đặt các tuồng hát bội và tổ chức những đoàn hát. Với các vở tuồng rất hay đến ngày nay vẫn còn lưu truyền: San Hậu (Ông Ðình, Ðổng Kim Lân, Khương Ninh Tá), Sơn Hà Xã Tắc....
Và giữa triều Nguyễn, Bình Định lại sản sinh được một kịch tác gia về tuồng (hát bội) là ông Ðào Tấn ở làng Vinh Thạnh xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Ông sinh năm 1845, đậu cử nhân khoa Ðinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định. Ông cũng là một nhà nghệ sĩ tài hoa, rất sành về kỹ thuật hát bội. Ông Đào Tấn đã lập nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định). Do ông Đào Tấn đã tiếp thu được tinh hoa hát bội ở nhiều vùng nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh đã trở thành đỉnh cao nhất trong các lò đào tạo những tài năng hát bội thời ấy. Từ Học Bộ Đình Vinh Thạnh, nhiều tên tuổi lớn trong nghề hát bội ra đời, như Bát Phàn, Cửu Khi, Bầu Thơm, Bầu Chạng… Kéo theo đó, phong trào hát bội đã phát triển rộng khắp trên khắp đất Bình Định và trở thành nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Trải qua hàng trăm năm dâu bể, hát bội đã ngày càng cắm rễ trong đời sống tinh thần của người Bình Định. Không những thế, sự giao lưu, kết hợp của nghệ thuật tuồng và võ Bình Định đã đưa tuồng Bình Định lên một tầm cao mới khác lạ hơn so với các đoàn tuồng của các địa phương khác.
Bây giờ ở Bình Định, ngoài nhà hát Tuồng Đào Tấn, còn có hàng chục gánh hát bội ở các vùng quê. Những gánh hát bội nghiệp dư ấy vẫn thường xuyên được mời biểu diễn ở các vùng quê. Diễn viên chỉ là những anh, chị nông dân chân lấm tay bùn, chưa từng qua một lớp đào tạo chính quy nào mà chủ yếu là được cha ông truyền lại và do đam mê nghệ thuật hát bội. Sau những đêm diễn ở đình làng hoặc ngoài gò, những "Quan Công", "Lữ Bố", "Điêu Thuyền"… lại trở về với con trâu, cái cày, với mảnh ruộng vườn rau, nhưng không vì thế mà họ từ bỏ niềm đam mê đối với hát bội.